Nội dung
1) Vòng lặp là gì !?
– Trong PHP, vòng lặp là một loại cú pháp giúp ta lặp lại việc thực thi một đoạn mã nhiều lần.
– Ví dụ, nếu tôi muốn hiển thị lên màn hình 100 dòng chữ “Lập Trình Web” thì đáng ra phải gõ 100 câu lệnh echo “<p>Lập Trình Web</p>”; . Tuy nhiên, với việc sử dụng vòng lặp thì chỉ cần ba câu lệnh như bên dưới là đủ.
<?php
for($i = 1; $i <= 100; $i++){
echo "<p>Lập Trình Web</p>";
}
?>
– Qua ví dụ trên, ta thấy “vòng lặp” giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc viết những đoạn mã cần thực thi nhiều lần liên tiếp.
– Trong PHP, vòng lặp được chia làm bốn loại:
- (1) Vòng lặp for
- (2) Vòng lặp foreach
- (3) Vòng lặp while
- (4) Vòng lặp do while
– Ở bài hướng dẫn này, bạn sẽ được tìm hiểu hai loại vòng lặp là for và foreach
2) Vòng lặp for trong PHP
– Vòng lặp for dùng để lặp lại việc thực thi đoạn mã nào đó một số lần.
2.1) Cú pháp
for(biểu thức 1; biểu thức 2; biểu thức 3){
//Đoạn mã mà bạn muốn được thực thi
}
– Trong đó:
- Biểu thức 1 thường là một câu lệnh khai báo biến
- Biểu thức 2 là một biểu thức điều kiện
- Biểu thức 3 thường là một biểu thức làm thay đổi giá trị của biến được khai báo trong biểu thức 1
2.2) Ví dụ thứ nhất
– Sử dụng vòng lặp for để hiển thị ba câu “Lập Trình Web” lên màn hình.
<?php
for($i = 1; $i <= 3; $i++){
echo "<p>Lập Trình Web</p>";
}
?>
2.3) Ví dụ thứ hai
– Sử dụng vòng lặp for để hiển thị một dãy số tăng dần từ 1 đến 10.
<?php
for($i = 0; $i < 10; $i++){
echo "Số: " . ($i+1) . "<br>";
}
?>
2.4) Ví dụ thứ ba
– Sử dụng vòng lặp for để hiển thị một dãy số giảm dần từ 9 xuống 2.
<?php
for($i = 9; $i > 1; $i--){
echo "Số: " . ($i) . "<br>";
}
?>
2.5) Vòng lặp for lồng nhau
– Thực chất vòng lặp for lồng nhau chỉ là cách sử dụng nâng cao của vòng lặp for thông thường để giúp cho số lần lặp được tăng theo cấp số nhân.
– Vòng lặp con được đặt vào bên trong vòng lặp cha. Khi điều kiện của vòng lặp cha đúng thì vòng lặp con sẽ được thực thi.
– Dưới đây là cú pháp cơ bản của một vòng lặp for lồng nhau:
for(biểu thức 1; biểu thức 2; biểu thức 3){
for(biểu thức 1; biểu thức 2; biểu thức 3){
//Đoạn mã mà bạn muốn được thực thi
}
}
– Lưu ý: Bên trong vòng lặp cha, ngoài vòng lặp con thì nó còn có thể chứa thêm các mã lệnh khác.
Ví dụ: hiển thị dãy số từ 1 đến 50 (bằng cách sử dụng vòng lặp for lồng nhau)
<?php
$number = 1;
for($i = 0; $i < 10; $i++){
for($j = 0; $j < 5; $j++){
echo "<p>" . $number . "</p>";
$number++;
}
}
?>
2.6) Lệnh break
– Lệnh break thường được đặt vào bên trong vòng lặp for.
– Khi lệnh break được thực thi, vòng lặp sẽ kết thúc mặc cho điều kiện của vòng lặp có còn đúng hay không.
Ví dụ:
– Lặp lại 10 lần việc hiển thị giá trị của biến number.
– Sau mỗi lần hiển thị cho giá trị của biến number tăng thêm một.
– Tuy nhiên, đến khi giá trị của biến number được tăng lên thành 5 thì kết thúc vòng lặp.
<?php
$number = 1;
for($i = 1; $i <= 10; $i++){
echo $number."<hr>";
$number++;
if($number == 5){
break;
}
}
?>
2.7) Lệnh continue
– Lệnh continue thường được đặt vào bên trong vòng lặp for.
– Khi lệnh continue được thực thi, những câu lệnh còn lại của lần lặp hiện tại sẽ bị bỏ qua.
Ví dụ: hiển thị dãy số từ một đến mười (ngoại trừ các số 2, 5, 9)
<?php
for($i = 1; $i <= 10; $i++){
if($i==2 || $i==5 || $i==9){
continue;
}
echo $i."<br>";
}
?>
3) Vòng lặp foreach trong PHP
– Vòng lặp foreach chỉ làm việc với mảng (Array)
– Vòng lặp foreach dùng để lặp lại việc thực thi một đoạn mã nào đó với số lần lặp lại bằng với số phần tử của mảng (Ví dụ: nếu mảng có 5 phần tử thì đoạn mã sẽ được thực thi lặp lại 5 lần)
– Trong mỗi lần lặp, giá trị của phần tử mảng hiện tại sẽ được lưu vào một biến.
– Cú pháp:
foreach ($array as $value) {
//Đoạn mã mà bạn muốn được thực thi
}
Ví dụ:
Trong vòng lặp foreach bên dưới:
- Lần lặp thứ nhất, biến $value sẽ lưu giá trị phần tử thứ nhất của mảng $data ($data[0])
- Lần lặp thứ hai, biến $value sẽ lưu giá trị phần tử thứ hai của mảng $data ($data[1])
- Lần lặp thứ ba, biến $value sẽ lưu giá trị phần tử thứ ba của mảng $data ($data[2])
- Lần lặp thứ tư biến $value sẽ lưu giá trị phần tử thứ tưcủa mảng $data ($data[3])
- Lần lặp thứ năm, biến $value sẽ lưu giá trị phần tử thứ năm của mảng $data ($data[4])
<?php
$data = array("HTML", "CSS", "JavaScript", "MySQL", "PHP");
foreach ($data as $value) {
echo $value."<hr>";
}
?>