1. Giới thiệu
Python là một ngôn ngữ lập trình thông dịch (interpreted), hướng đối tượng (object-oriented), và là một ngôn ngữ bậc cao (high-level) ngữ nghĩa động (dynamic semantics). Python hỗ trợ các module và gói (packages), khuyến khích chương trình module hóa và tái sử dụng mã.
Trình thông dịch Python và thư viện chuẩn mở rộng có sẵn dưới dạng mã nguồn hoặc dạng nhị phân miễn phí cho tất cả các nền tảng chính và có thể được phân phối tự do.
Các đặc điểm của ngôn ngữ Python:
- Python dễ dàng kết nối với các thành phần khác: Python có thể kết nối với các đối tượng COM, .NET (Ironpython, Python for .net), và CORBA, Java… Python cũng được hỗ trợ bởi Internet Communications Engine (ICE) và nhiều công nghệ kết nối khác. Có thể viết các thư viện trên C/C++ để nhúng vào Python và ngược lại.
- Python là ngôn ngữ có khả năng chạy trên nhiều nền tảng. Python có cho mọi hệ điều hành: Windows, Linux/Unix, OS/2, Mac, Amiga, và những hệ điều hành khác. Thậm chí có cả những phiên bản chạy trên .NET, máy ảo Java, và điện thoại di động (Nokia Series 60). Với cùng một mã nguồn sẽ chạy giống nhau trên mọi nền tảng.
- Python rất đơn giản và dễ học. Python có cộng đồng lập trình rất lớn, hệ thống thư viện chuẩn, và cả các thư viện mã nguồn mở được chia sẻ trên mạng.
- Python là ngôn ngữ mã nguồn mở. Cài đặt Python dùng giấy phép nguồn mở nên được sử dụng và phân tối tự do, ngay cả trong việc thương mại. Giấy phép Python được quản lý bởi Python Software Foundation.
2. Xếp hạng và lịch sử ngôn ngữ
Hiện nay ngôn ngữ Python được xếp hạng thứ 3 trong Top 10 các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất đang được thế giới sử dụng.
Theo thống kê từ top 39 trường giảng dạy khoa học máy tính thì đa phần các trường sử dụng ngôn ngữ Python để giảng dạy.
Python đã được hình thành vào cuối những năm 1980, và việc thực hiện nó vào tháng 12 năm 1989 bởi Guido van Rossum tại Centrum Wiskunde & Informatica (CWI) ở Hà Lan như là một kế thừa cho ngôn ngữ ABC (tự lấy cảm hứng từ SETL) có khả năng xử lý ngoại lệ và giao tiếp với Hệ điều hành Amoeba. Van Rossum là tác giả chính của Python, và vai trò trung tâm của ông trong việc quyết định hướng phát triển của Python.
Về nguồn gốc của Python, Van Rossum đã viết vào năm 1996:
Hơn sáu năm trước, vào tháng 12 năm 1989, tôi đã tìm kiếm một dự án lập trình “sở thích” mà nó đã chiếm đóng tâm trí tôi trong suốt tuần lễ Giáng sinh. Văn phòng của tôi … sẽ đóng cửa, nhưng tôi đã có một máy tính ở nhà, và không có nhiều thứ khác trên tay. Tôi quyết định viết một bộ thông dịch (interprester) cho ngôn ngữ kịch bản mới mà tôi đã từng nghĩ đến: một hậu duệ của ABC có thể hấp dẫn các hacker Unix/C. Tôi đã chọn Python như là một tiêu đề làm việc cho dự án.
Python 2.0 đã được phát hành vào ngày 16 tháng 10 năm 2000 và có nhiều tính năng mới, bao gồm bộ thu gom rác theo chu kỳ (cycle-detecting garbage) và hỗ trợ Unicode.
Với việc phát hành này quá trình phát triển đã được thay đổi và trở nên minh bạch hơn và cộng đồng hậu thuẫn Python 3.0 được phát hành năm 2008, sau một thời gian dài thử nghiệm.Cho tới năm 2017,Python đang có phiên bản 3.7.
3. Python làm được những gì?
Sau đây là những khả năng của Python, khiến nó đang dần trở thành xu hướng lập trình trên thế giới:
- Python khi sử dụng trên máy chủ có thể tạo ra các ứng dụng nền web (web application).
- Python có thể chạy song song cùng các phần mềm khác để dễ phân luồng công việc.
- Python có thể kết nối dễ dàng đến cơ sở dữ liệu, hay cả việc đọc và ghi file.
- Với Python, việc xử lý Big Data và các phép toán phức tạp trở nên dễ dàng.
- Dễ dàng sử dụng Python để tạo ra các sản phẩm demo một cách nhanh chóng. Hơn nữa, các công ty, hoặc lập trình viên chuyên nghiệp luôn ưu tiên sử dụng Python cho việc phát triển những sản phẩm chất lượng.
Hiện nay, với khả năng xử lý các phép toán phức tạp của mình, Python đang được sử dụng nhiều trong việc phát triển Trí Tuệ Nhân Tạo và các nghiên cứu trong lĩnh vực Machine Learning.